Lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH thay đổi như thế nào khi tăng lương cơ sở từ 01/07/2024?

Chính phủ vừa ban hành liên tục hai Nghị định chốt tăng lương cơ sở và điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 và được cho là sẽ tác động đến hàng triệu người đã và đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Vậy, ai thuộc diện được tăng lương hưu kể từ ngày 01/7/2024? Lương hưu tăng cụ thể bao nhiêu? Nghỉ hưu sau 01/07/2024 có được tăng lương hưu không? Các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng bao nhiêu sau ngày 01/7/2024?

Xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS.

1. Các trường hợp được tăng lương hưu kể từ ngày 01/7/2024

Theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP, có 9 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, gồm:

  • Thứ nhất là các cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ Quỹ BHXH nông dân Nghệ An; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
  • Thứ hai là các cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 33 năm 2023, Nghị định số 92 năm 2009, Nghị định số 34 năm 2019, Nghị định số 121 năm 2003 và Nghị định số 09 năm 1998.
  • Thứ ba là những người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 623/QĐ-TTg năm 2008; Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP năm 1979.
  • Thứ tư là các cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP năm 1975 và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
  • Thứ năm là quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142 năm 2008.
  • Thứ sáu là công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53 năm 2010.
  • Thứ bảy là Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62 năm 2011.
  • Thứ tám là Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
  • Cuối cùng là người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1/1/1995.

Như vậy, không phải tất cả những ai đang hưởng lương hưu đều được tăng lương hưu từ ngày 01/07/2024, mà chỉ những người thuộc một trong 9 nhóm nêu trên mới được tăng.

2. Mức tăng lương hưu sau ngày 01/07/2024

Tuỳ vào “mốc thời gian” nghỉ hưởng lương hưu mà số lần điều chỉnh tăng và mức tăng cũng khác nhau, cụ thể:

Trường hợp 1: Đối với người nghỉ hưởng lương hưu trước 01/7/2024.

Mức lương hưu sẽ được điều chỉnh tăng một lần với mức tăng là 15% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024:

Mức lương hưu và trợ cấp BHXH được hưởng từ tháng 7/2024 trở đi = Mức hưởng tháng 6/2024 + (Mức hưởng tháng 6/2024 * 15%)

Trường hợp 2: Đối với người nghỉ hưởng lương hưu trước 01/01/1995, sau khi đã điều chỉnh tăng 15% mà mức hưởng vẫn thấp hơn 3.500.000đ thì điều chỉnh tăng bổ sung, cụ thể:

– Tăng thêm 300.000 đồng/tháng nếu mức hưởng dưới 3.200.000 đồng;

– Tăng tròn thành 3.500.000 đồng/tháng nếu mức hưởng từ 3.200.000 đồng đến dưới 3.500.000 đồng

Ví dụ: Ông Hai nghỉ việc (vào tháng 9/1985), lương hưu và các khoản trợ cấp BHXH của ông Hai được hưởng tháng 6/2024 là 3.015.300 đồng, từ ngày 01/7/2024 sau khi được điều chỉnh tăng 15%, số tiền hưởng của ông Hai là 3.467.600 đồng, tăng 452.300 đồng. 

Vì ông Hai nghỉ việc hưởng lưu hưu trước 01/01/1995 (cụ thể là tháng 9/1985) và số tiền hưởng sau khi điều chỉnh lần đầu vẫn thấp hơn 3.500.000đ nên ông được điều chỉnh tăng bổ sung lần 2 lên mức 3.500.000 đồng/tháng.

Vậy tổng số tiền sau khi điều chỉnh tăng theo quy định mới từ ngày 01/7/2024 là 484.700 đồng/tháng.

Lưu ý: Người bắt đầu nghỉ việc hưởng lương hưu sau ngày 01/7/2024 sẽ không thuộc diện điều chỉnh tăng lương hưu theo quy định này.

Mặc dù vậy, người nghỉ hưu sau ngày 01/7/2024 sẽ được tăng quyền lợi ở những chế độ về BHYT, tăng các mức trợ cấp BHXH do các khoản tiền này được tính theo lương cơ sở, và do lương cơ sở tăng nên các khoản tiền này cũng tăng theo.

Chi tiết mức tăng như thế nào, xin mời bạn đọc theo dõi tiếp Mục 3 dưới đây.

3. Điều chỉnh 12 khoản tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 01/07/2024

Từ ngày 01/07/2024, khi lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng) thì các khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở cũng tăng theo:

Các khoản trợ cấp BHXH Mức lương cơ sở

1.800.000 đồng

(cũ)

Mức lương cơ sở

2.340.000 đồng

(mới)

Nhận xét
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày = 30% * mức lương cơ sở

(Điều 29 Luật BHXH)

540.000 đồng/ngày 702.000 đồng/ngày Tăng 162.000 đồng/ngày
Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi một tháng = 2 lần mức lương cơ sở (Điều 38 Luật BHXH) 3.600.000 đồng/tháng 4.680.000 đồng/tháng Tăng 1.080.000 đồng/tháng
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày = 30% lương cơ sở (Điều 41 Luật Luật BHXH) 540.000 đồng/ngày 702.000 đồng/ngày Tăng 162.000 đồng/ngày
Trợ cấp suy giảm khả năng lao động một lần: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở (Điều 46 Luật BHXH) 9.000.000 đồng 11.700.000 đồng Tăng 2.700.000 đồng
Trợ cấp suy giảm khả năng lao động hằng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng = 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. (Điều 47 Luật BHXH) 540.000 đồng/tháng 702.000 đồng/tháng Tăng 162.000 đồng/tháng
Trợ cấp phục vụ hằng tháng: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì hằng tháng còn được hưởng thêm trợ cấp phục vụ = mức lương cơ sở. (Điều 50 Luật BHXH) 1.800.000 đồng/tháng 2.340.000 đồng/tháng Tăng 540.000 đồng/tháng
Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp = 36 lần mức lương cơ sở. (Điều 51 Luật BHXH) 64.800.000 đồng 84.240.000 đồng Tăng 19.440.000 đồng
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tại cơ sở tập trung một ngày = 40% mức lương cơ sở.(Điều 52 Luật BHXH) 720.000 đồng/ngày 936.000 đồng/ngày Tăng 216.000 đồng/ngày
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tại gia đình một ngày = 25% mức lương cơ sở. (Điều 52 Luật BHXH) 450.000 đồng/ngày 585.000 đồng/ngày Tăng 135.000 đồng/ngày
Mức trợ cấp mai táng = 10 lần mức lương cơ sở. (Điều 66, 80 Luật BHXH) 18.000.000 đồng 23.400.000 đồng Tăng 5.400.000 đồng
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân có người trực tiếp nuôi dưỡng = 50% mức lương cơ sở. (Điều 68 Luật BHXH) 900.000 đồng/tháng 1.170.000 đồng/tháng Tăng 270.000 đồng/tháng
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng = 70% mức lương cơ sở (Điều 68 Luật BHXH) 1.260.000 đồng/tháng 1.638.000 đồng/tháng Tăng 378.000 đồng/tháng

Trên đây là nội dung Công ty Luật CIS thông tin về chính sách lương hưu có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, hy vọng nội dung nêu trên hữu ích với bạn đọc.