Các câu hỏi thường gặp về tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn

Tranh chấp quyền nuôi con là vấn đề nan giải đối với các cặp vợ chồng có con chung khi ly hôn. Vậy, pháp luật quy định thế nào về tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn? Phải làm thế nào để giành được quyền nuôi con khi ly hôn? Không đăng ký kết hôn, giành quyền nuôi con như thế nào?

Trong bài viết “Các câu hỏi thường gặp về tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn” này, Công ty Luật CIS sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin pháp luật mới nhất xoay quanh các vấn đề nêu trên, mời bạn đọc theo dõi.

1. Tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn là gì?

Tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn là tranh chấp pháp lý xảy ra giữa vợ và chồng khi cả hai bên không thoả thuận được với nhau ai là người nuôi con khi ly hôn.

Khi vợ và chồng không thể tự thoả thuận một cách êm đẹp về việc bên nào là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định trên cơ sở bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng con muốn ở với cha hay mẹ.

dich-vu-lam-the-apec

2. Quy định pháp luật về quyền nuôi con của cha, mẹ

Quyền nuôi con là một trong những quyền cơ bản và đồng thời cũng là nghĩa vụ của cha mẹ trong hôn nhân và sau khi ly hôn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền nuôi con của cha, mẹ được quy định như sau:

Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định như sau:

“Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Theo các quy định trên, quyền và nghĩa vụ đối với con luôn đặt ra với người làm cha, làm mẹ và không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha và mẹ có còn tồn tại hay đã chấm dứt. Cha và mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng chăm sóc, nuôi dưỡng:

– Con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi);

– Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn

Pháp luật quy định vợ chồng khi ly hôn có thể thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con. Tuy nhiên, khi hôn nhân không còn tiếng nói chung thì việc thống nhất con do ai nuôi dưỡng là rất khó khăn, từ đó dẫn đến vấn đề tranh chấp về quyền nuôi con.

Bên cạnh tranh chấp về tài sản khi ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con là một vấn đề pháp lý không đơn giản và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về sau của con trẻ. Vậy, cách giành quyền nuôi con khi ly hôn trước Toà là gì?

Như đã nêu ở Mục 1, khi xem xét giao con cho một bên vợ hoặc chồng nuôi dưỡng, Toà án sẽ trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt con trẻ. Chính vì vậy, bên nào yêu cầu Tòa án công nhận quyền nuôi con thuộc về mình thì phải chứng minh được việc đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con.

Thông thường, khi quyết định giao đứa trẻ cho người vợ hoặc người chồng nuôi, Tòa án thường dựa trên 03 tiêu chí, đó là: sự phát triển về thể chất, về tinh thần và độ tuổi của trẻ.

– Đầu tiên là điều kiện cho sự phát triển về thể chất, như điều kiện sống, học hành, vui chơi của trẻ. Đối với điều kiện này, chúng ta có thể cung cấp các chứng cứ để chứng minh về việc chúng ta có công việc, có thu nhập ổn định, như: Hợp đồng lao động, bảng lương có xác nhận của Công ty; Bản sao kê có xác nhận của ngân hàng, hợp đồng cho thuê nhà, sổ đỏ, sổ hồng hay sổ tiết kiệm, v.v…

– Tiếp theo là các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của trẻ. Điều kiện này, chúng ta có cung cấp các chứng cứ để chứng minh như thời gian làm việc của chúng ta phù hợp để có thời gian dành cho trẻ, hay môi trường trẻ sẽ sống lành mạnh, chúng ta có ông bà, người thân hỗ trợ trong việc chăm sóc, trước đến nay, trẻ không bị hành hạ, ngược đãi, bóc lột sức lao động, v.v…

– Tiêu chí cuối cùng mà Tòa án xem xét đó là độ tuổi của trẻ. Theo đó, trẻ dưới 36 tháng tuổi về nguyên tắc sẽ được giao cho người mẹ nuôi; trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của trẻ, nghĩa là hỏi ý kiến trẻ muốn được ở với ai.

Bên cạnh đó, Tòa án có thể xem xét những điều kiện/yếu tố khác như:

– Nơi cư trú của vợ/ chồng. Việc có nơi cư trú rõ ràng là một lợi thế.

– Tòa án cũng có thể xem xét nhân thân của hai bên thông qua lời khai, chứng cứ mà hai bên cung cấp.

– Hay việc trước khi ly hôn hoặc trong giai đoạn không sống chung với nhau, thì ai là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ;

– Thêm một lưu ý là: Tòa án có thể đánh giá rằng, khi giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con, người chồng/vợ có chấp hành giấy triệu tập/thông báo để đến Tòa trình bày quan điểm, ý kiến về vấn đề nuôi con khi ly hôn không?

– Ngoài ra, Tòa cũng sẽ xem xét về giới tính, quá trình phát triển tâm sinh lý của con trong từng trường hợp nếu ở với cha hoặc với mẹ thì trường hợp nào sẽ tốt hơn?, v.v…

Như vậy, có thể thấy, Tòa án sẽ xem xét, đánh giá nhiều yếu tố, và việc có kinh tế mạnh, tức là có thu nhập cao hơn đối phương, có tài sản, nhà cửa nhiều hơn thì cũng chưa chắc đủ để thuyết phục Tòa án giao quyền nuôi con cho mình.

4. Không đăng ký kết hôn giành quyền nuôi con như thế nào?

Tình trạng sống thử ở giới trẻ hiện nay đang dần phổ biến, điển hình như các cặp nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không tổ chức hôn lễ hay không đăng ký kết hôn. Theo quy định của pháp luật, việc làm này sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do đó, khi giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn và có tranh chấp về con chung, Điều 14 và Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Như vậy, nếu nam nữ không đăng ký kết hôn mà chỉ sống chung với nhau như vợ chồng thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng nhưng quyền, nghĩa vụ với con vẫn được xác lập.

Do đó, khi giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con tại Toà án, Toà vẫn sẽ xem xét giao quyền nuôi con giữa nam nữ không kết hôn như vợ chồng kết hôn hợp pháp, việc giao con cho bên nào nuôi dưỡng vẫn sẽ áp dụng theo quy định đã được phân tích tại Mục 3 bài viết này

Trên đây là những câu trả lời về Các câu hỏi thường gặp về tranh chấp quyền nuôi con. Hy vọng bạn đọc đã nắm bắt được các thông tin pháp lý hữu ích về việc giành quyền nuôi con.

Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn